Menu

Vắc xin COVID-19 trên Phụ nữ có thai và cho con bú – Khuyến cáo của Hoa Kỳ

Nguồn: The American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). COVID-19 Vaccination Considerations for Obstetric–Gynecologic Care. Last updated July 2, 2021.

Dịch: SVD. Nguyễn Thanh Huyền, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiệu đính: TS.DS. Võ Thị Hà, GV. ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, DSLS – BV. Nguyễn Tri Phương

TÓM TẮT CÁC THÔNG TIN  CHÍNH VÀ KHUYẾN NGHỊ THỰC HÀNH CỦA ACOG

Khuyến nghị thực hành của Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) nhằm mục đích tổng quan về các loại vắc xin COVID-19 hiện có và hướng dẫn sử dụng vắc xin COVID-19 cho phụ nữ có thai (PNCT), dự định mang thai và phụ nữ cho con bú (PNCCB).

  • Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) cho các loại vắc xin sau:
    • Vắc xin mRNA Pfizer-BioNtech (BNT162b2): sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên theo chế độ 2 liều cách nhau 3 tuần (21 ngày).
    • Vắc xin Moderna mRNA-1273: sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo chế độ 2 liều cách nhau 1 tháng (28 ngày).
    • Vắc xin Janssen Biotech, Inc. (Johnson & Johnson) Ad26.COV2.S: sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo chế độ 1 liều duy nhất.
  • ACOG khuyến cáo PNCT có thể được tiêm vắc-xin COVID-19.
  • Vắc xin COVID-19 nên được tiêm cho PNCCB tương tự như đối tượng không cho con bú.
  • Những PNCT đang cân nhắc tiêm vắc xin COVID-19 có thể tham khảo các thông tin sẵn có về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Một buổi tư vấn của bác sĩ lâm sàng với bệnh nhân có thể giúp đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng vắc xin được FDA phê duyệt cho PNCT để phòng ngừa COVID-19. Những cân nhắc quan trọng bao gồm:
    • Hiệu quả của vắc xin
    • Nguy cơ và mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của việc nhiễm COVID-19, bao gồm cả ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi và trẻ sơ sinh
    • Sự an toàn của vắc xin ở PNCT và thai nhi.
  • Tương tự như những đối tượng không mang thai cùng lứa tuổi, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho PNCT có thể tiến hành ở bất kỳ cơ sở nào được cho phép. Bao gồm các cơ sở lâm sàng và các địa điểm tiêm chủng cộng đồng phi lâm sàng như trường học, trung tâm cộng đồng và các địa điểm tiêm chủng hàng loạt khác.
  • Không bắt buộc thử thai trước khi tiêm vắc xin COVID-19 được FDA phê duyệt.
  • Quan trọng là, các tuyên bố về vắc xin COVID-19 với nguy cơ vô sinh là không có cơ sở và không có bằng chứng khoa học chứng minh. ACOG khuyến nghị tiêm chủng cho tất cả những đối tượng đủ điều kiện đang dự định mang thai trong tương lai.
  • PNCT được từ chối tiêm chủng. Đối với những PNCT không được chủng ngừa, bác sĩ lâm sàng nên củng cố tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
  • Các tác dụng phụ dự kiến ​​phải được tư vấn cho bệnh nhân, bao gồm cả phản ứng bình thường của cơ thể đối với vắc xin trong việc tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19.
  • Phụ nữ dưới 50 tuổi bao gồm cả PNCT có thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được FDA phê duyệt. Tuy nhiên, họ nên được biết về nguy cơ hiếm gặp của huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 và các loại vắc xin COVID-19 khác được FDA phê duyệt (tức là vắc xin mRNA).
  • ACOG đặc biệt khuyến cáo rằng tất cả các đối tượng đủ điều kiện nên tiêm vắc xin COVID-19. Bác sĩ sản khoa và nhân viên y tế nên đi đầu bằng cách tiêm chủng và khuyến khích những đối tượng đủ điều kiện cũng được tiêm chủng.
  • Bác sĩ sản khoa được khuyến khích đánh giá và ghi lại tình trạng tiêm chủng COVID-19 của bệnh nhân.
  • Vắc xin COVID-19 có thể được sử dụng đồng thời với các vắc xin khác, kể cả trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiêm vắc xin. Bao gồm các loại vắc xin được sử dụng thường xuyên trong thời kỳ mang thai như cúm.

 THÔNG TIN VỀ CÁC LOẠI VẮC XIN COVID-19

Đến thời điểm này, có 3 loại vắc xin được phát triển để phòng ngừa COVID-19 được FDA phê duyệt.

Vắc xin mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNtech & Moderna) (đã được FDA phê duyệt)

Việc phát triển và sử dụng vắc xin mRNA (Pfizer-BioNtech & Moderna) là tương đối mới. Những vắc xin này bao gồm RNA thông tin (mRNA) được bao bọc bởi một hạt nano lipid để đưa vào tế bào vật chủ. Các loại vắc xin này sử dụng các tế bào của chính cơ thể để tạo ra protein tăng đột biến coronavirus (các kháng nguyên có liên quan). Tương tự như tất cả các loại vắc xin khác, vắc xin này kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại COVID-19. Vắc xin mRNA không phải là vắc xin vi rút sống, cũng không sử dụng chất bổ trợ để nâng cao hiệu quả của vắc xin. Các vắc xin này không xâm nhập vào nhân và không làm thay đổi DNA của con người. Do đó, vắc xin mRNA không gây ra bất kỳ thay đổi di truyền nào (CDC, Zhang 2019, Schlake 2012). Dựa trên cơ chế hoạt động của các loại vắc xin này và tính an toàn và hiệu quả đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn II và Giai đoạn III, hồ sơ an toàn và hiệu quả của vắc xin ở PNCT là tương tự như ở đối tượng không mang thai .

Vắc xin Adenovirus-vector (Janssen Biotech Inc.) (đã được FDA phê duyệt)

Vắc xin Janssen (Johnson & Johnson) COVID-19 (Ad26.COV2.S) dựa trên nền tảng công nghệ AdVac® và là vắc xin đơn liều bao gồm vectơ vi rút adenovirus loại 26 (Ad26) tái tổ hợp, không có năng lực sao chép ở người, được cấu tạo để mã hóa một dạng ổn định của protein coronavirus-2 (SARS-CoV-2) Spike (S) gây hội chứng hô hấp cấp tính ổn định. Vectơ Ad26 không thể sao chép sang người sau khi sử dụng và dữ liệu có sẵn chứng minh rằng vắc xin được loại bỏ khỏi các mô sau khi tiêm (FDA 2021).

Ad26.COV2.S không phải là vắc xin vi rút sống, không chứa chất bảo quản và không tái tạo trong tế bào. Dựa trên dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra và đã hoàn thành của vắc xin vectơ Ad26 bao gồm COVID-19, HIV và Ebola được sử dụng cho PNCT. Về tổng thể, vắc xin dựa trên Ad26 có độ an toàn và khả năng gây phản ứng ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, việc xem xét các dữ liệu ở PNCT hiện không có nguy cơ nào liên quan đến thai kỳ (FDA 2021).

Vắc xin AstraZeneca COVID-19 (Vaxzevria) (chưa được FDA phê duyệt)

Vắc xin AstraZeneca COVID-19 (Vaxzevria) là một loại vắc xin vectơ vi rút, giống như vắc xin của Johnson & Johnson. Vắc xin này hiện vẫn chưa được FDA phê duyệt vì họ yêu cầu AstraZeneca chứng minh kết quả từ một thử nghiệm quy mô lớn hơn.

HIỆU QUẢ CỦA CÁC LOẠI VẮC XIN COVID-19

Tất cả các vắc xin COVID-19 được FDA phê duyệt hiện có đã chứng minh hiệu quả cao trong số các tiêu chí thử nghiệm lâm sàng tương ứng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ ít có nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc truyền SARS-CoV-2 cho người khác.

Vắc xin mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNtech & Moderna)

Dựa trên kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Pfizer-BioNtech COVID-19 có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 đã được xác nhận ở đối tượng tiêm đủ hai liều (CDC).

Dựa trên kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Moderna có hiệu quả 94,1% trong việc ngăn ngừa COVID-19 đã được xác nhận ở đối tượng tiêm đủ hai liều (CDC).

Một nghiên cứu thuần tập tiền cứu từ hai trung tâm học thuật cho thấy, PNCT và PNCCB được tiêm chủng đã tạo ra các phản ứng miễn dịch tương tự với nhóm chứng không mang thai và hiệu giá kháng thể tạo ra cao hơn. Hơn nữa, các kháng thể do vắc xin tạo ra đã có trong máu cuống rốn và sữa mẹ sau khi người mẹ được tiêm chủng (Grey 2021, Prabhu 2021).

Vắc xin Adenovirus-vector (Janssen Biotech Inc.)

Dựa trên kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng tại Hoa Kỳ, vắc xin Janssen COVID-19 đã được chứng minh là có hiệu quả 66,9% trong việc ngăn ngừa COVID-19 vừa và nặng và 76,7% hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 nặng đến nghiêm trọng sau một liều duy nhất. Loại vắc-xin này cũng chứng minh hiệu quả 93,1% trong việc ngăn ngừa nhập viện 14 ngày sau khi tiêm chủng (Janssen 2021).

Vắc xin AstraZeneca COVID-19 (Vaxzevria)

Hiện tại chưa có báo cáo lo ngại của vắc xin AstraZeneca trong thai kỳ, nhưng có rất ít kinh nghiệm sử dụng vắc xin này trong thời kỳ mang thai so với vắc xin Pfizer và Moderna. Do đó, đề xuất ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ở PNCT.

PHẢN ỨNG DỊ ỨNG: SỐC PHẢN VỆ 

Nếu nghi ngờ sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ở PNCT, phản vệ nên được xử trí giống như đối tượng không mang thai (như đánh giá nhanh đường thở, nhịp thở, tuần hoàn và hoạt động tâm thần; gọi dịch vụ y tế khẩn cấp; đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và sử dụng epinephrine) (CDC). Tương tự như đối tượng không mang thai, phản vệ có thể tái phát sau khi bệnh nhân bắt đầu hồi phục và nên được theo dõi tại cơ sở y tế trong ít nhất vài giờ, ngay cả khi đã giải quyết xong các triệu chứng và dấu hiệu.

HUYẾT KHỐI VÀ HỘI CHỨNG GIẢM TIỂU CẦU:CÂN NHẮC Ở PHỤ NỮ TRONG ĐỘ TUỔI SINH SẢN VÀ PNCT 

Hầu hết các trường hợp huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu (thrombosis with thrombocytopenia syndrome – TTS) được báo cáo cho Hệ thống báo cáo tác dụng phụ của vắc xin (Vaccine Adverse Event Reporting System – VAERS) sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 cho đến nay đều xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Không ai trong số những người này đang mang thai. Mặc dù TTS là một tình trạng nghiêm trọng về mặt lâm sàng, nhưng điều quan trọng là phải nhấn mạnh sự hiếm gặp của hội chứng này. Hội chứng này chỉ xảy ra với khoảng 8,9 trong số mỗi triệu liều vắc xin Janssen COVID-19 được sử dụng cho phụ nữ từ 18-49 tuổi (Shimabukuro, 2021).

Do tỷ lệ mắc TTS thấp sau khi tiêm chủng và nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do nhiễm COVID-19 cao, phụ nữ dưới 50 tuổi, bao gồm cả PNCT, có thể được tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được FDA phê duyệt. Tuy nhiên, họ nên biết về nguy cơ hiếm gặp của TTS sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 và các loại vắc xin COVID-19 khác được FDA phê duyệt (tức là vắc xin mRNA).

Mặc dù nguy cơ huyết khối nói chung tăng lên trong thời kỳ mang thai và thời kỳ hậu sản, và với một số biện pháp tránh thai nội tiết tố, các chuyên gia tin rằng những yếu tố này không làm cho mọi người dễ bị TTS hơn sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19. Do các cơ chế khác nhau này, không có khuyến nghị ngừng hoặc thay đổi các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố ở những phụ nữ đã được tiêm hoặc dự định tiêm vắc xin Janssen COVID-19. Ngoài ra, với đối tượng dùng aspirin hoặc thuốc chống đông máu, kể cả trong thời kỳ mang thai, không cần phải ngừng hoặc thay đổi liều lượng của những loại thuốc này trước khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 (CDC).

DỮ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG VẮC XIN COVID-19 TRONG THAI KỲ 

Dữ liệu về Độc tính Sinh sản và Phát triển (DART)

Dữ liệu từ các nghiên cứu về Độc tính Sinh sản và Phát triển (Developmental and Reproductive Toxicity – DART) đối với vắc xin Pfizer-BioNtech COVID-19 đã được báo cáo ở Châu Âu. Theo báo cáo được trình bày cho Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, các nghiên cứu trên động vật sử dụng vắc xin Pfizer/BioNtech COVID-19 không ghi nhận tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với việc mang thai, phát triển phôi thai hoặc thai nhi, sinh con hoặc phát triển sau khi sinh.

Trong một nghiên cứu về độc tính đối với sự phát triển sinh sản, thỏ cái được tiêm 1 mL vắc xin Janssen COVID-19 (một liều duy nhất cho người là 0,5 mL) bằng cách tiêm bắp 7 ngày trước khi giao phối và vào Ngày mang thai thứ 6 và 20 (tức là tiêm một lần trong thời gian đầu và cuối thai kỳ tương ứng). Không có tác dụng phụ nào liên quan đến vắc xin đối với khả năng sinh sản, sự phát triển của phôi thai hoặc sau khi sinh cho đến Ngày thứ 28 sau sinh (FDA 2021). Hơn nữa, dựa trên dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra và đã hoàn thành đối với vắc xin Ad26 vectơ bao gồm COVID-19, HIV và Ebola được sử dụng cho PNCT. Về tổng thể, vắc xin dựa trên Ad26 có độ an toàn và khả năng gây phản ứng có thể chấp nhận được, không có vấn đề an toàn đáng kể nào được xác định cho đến nay. Ngoài ra, việc xem xét các dữ liệu mang thai hiện có không gợi ý nguy cơ nào của vắc xin Janssen COVID-19 liên quan đến thai kỳ (FDA 2021).

Dữ liệu V-safe (CDC)

Tính đến ngày 7 tháng 6 năm 2021, đã có hơn 123.000 PNCT báo cáo về chương trình kiểm tra sức khỏe sau tiêm chủng V-safe của CDC (CDC 2021). Dữ liệu thu thập được không cho thấy bất kỳ mối lo ngại nào về tính an toàn của vắc xin trong hồ sơ phản ứng và các tác dụng không mong muốn được quan sát thấy ở PNCT. Ngoài ra, các tác dụng phụ là tương tự nhau ở đối tượng mang thai và không mang thai.

KHUYẾN NGHỊ VÀ CÂN NHẮC CHUNG

Vắc xin phòng ngừa COVID-19 hiện có sẵn cho tất cả người lớn. ACOG đặc biệt khuyến cáo rằng tất cả đối tượng đủ điều kiện nên tiêm vắc xin COVID-19. Bác sĩ sản khoa và nhân viên y tế nên đi đầu bằng cách tiêm chủng và khuyến khích những bệnh nhân đủ điều kiện cũng được tiêm chủng.

  • Hiện tại, không có ưu tiên cho việc sử dụng một loại vắc xin COVID-19 nào. Tuy nhiên, trẻ từ 12-17 tuổi chỉ đủ điều kiện để tiêm vắc xin Pfizer-BioNtech.
  • Đối tượng tiêm vắc xin Pfizer-BioNtech hoặc Moderna COVID-19 phải hoàn thành 2 mũi tiêm với cùng một loại vắc xin.
  • Vắc xin COVID-19 có thể được sử dụng đồng thời với các vắc xin khác, kể cả trong vòng 14 ngày sau khi tiêm vắc xin. Bao gồm các loại vắc xin được sử dụng thường xuyên trong thời kỳ mang thai như cúm.
  • Các biện pháp phòng ngừa nên được thảo luận với bất kỳ cá nhân nào báo cáo tiền sử có dị ứng với bất kỳ loại vắc xin hoặc liệu pháp tiêm nào khác (không liên quan đến thành phần của vắc xin COVID-19) (CDC). Việc tiêm vắc xin COVID-19 phải tuân thủ theo hướng dẫn của CDC, bao gồm sàng lọc những chống chỉ định và đề phòng cho người được tiêm, có sẵn các vật tư cần thiết để xử trí phản vệ, theo dõi sau tiêm chủng được khuyến nghị và điều trị ngay các trường hợp nghi ngờ sốc phản vệ với epinephrine tiêm bắp (CDC).
  • Những đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 nên được giáo dục và khuyến khích tham gia vào chương trình V-safe của CDC.
  • Bác sĩ sản khoa được khuyến khích đánh giá và ghi lại tình trạng tiêm chủng COVID-19 của bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án.

 KHUYẾN NGHỊ VÀ CÂN NHẮC VỀ CHĂM SÓC SẢN KHOA

PNCT  và nguy cơ nhiễm COVID-19 trong thai kỳ

Dữ liệu hiện có cho thấy, những PNCT nhiễm COVID-19 có triệu chứng nặng hơn so với những đối tượng không mang thai. Mặc dù nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng là thấp, những dữ liệu này cho thấy nguy cơ nhập ICU tăng, cần thở máy, hỗ trợ thở máy (ECMO), và tử vong đã được báo cáo ở PNCT nhiễm COVID-19 có triệu chứng. PNCT mắc các bệnh đi kèm như béo phì và tiểu đường có thể có nguy cơ bị bệnh nặng hơn so với dân số chung mắc các bệnh đi kèm tương tự.

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho PNCT

Với những cân nhắc lâm sàng này, CDC khuyến nghị những PNCT hội đủ điều kiện có thể được tiêm vắc xin COVID-19.

ACOG khuyến cáo PNCT có thể tiếp cận với vắc xin COVID-19. Mặc dù dữ liệu an toàn dành riêng cho việc sử dụng vắc xin COVID-19 trong thai kỳ là hạn chế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy rằng vắc xin này nên bị chống chỉ định và không ghi nhận nguy cơ nào từ các nghiên cứu DART cho vắc xin Pfizer-BioNtech, Moderna, và Janssen COVID-19. Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng đang phát triển từ V-safe và các cơ sở giám sát khác cho thấy, không có nguy cơ nào trong số hàng nghìn PNCT đã được tiêm vắc xin COVID-19. Do đó, vì lợi ích của bệnh nhân, ACOG khuyến nghị vắc xin COVID-19 được sử dụng cho PNCT.

Bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được FDA phê duyệt hiện nay đều có thể được sử dụng cho PNCT hoặc PNCCB. Tuy nhiên, với PNCT, PNCCB và phụ nữ mới mang thai dưới 50 tuổi nên biết về nguy cơ hiếm gặp của huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 và các loại vắc xin COVID-19 khác được FDA cấp phép (tức là vắc xin mRNA).

Cân nhắc thêm cho PNCT

  • Những PNCT bị sốt sau khi tiêm nên được tư vấn dùng paracetamol (acetaminophen). Paracetamol đã được chứng minh là an toàn để sử dụng trong thai kỳ và dường như không ảnh hưởng đến phản ứng của kháng thể với vắc xin COVID-19.
  • PNCT được từ chối tiêm chủng. Đối với những bệnh nhân không được chủng ngừa, bác sĩ lâm sàng nên củng cố tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho PNCCB

ACOG khuyến cáo nên tiêm vắc xin COVID-19 cho PNCCB. Mặc dù đối tượng PNCCB không được đưa vào hầu hết các thử nghiệm lâm sàng, vắc xin COVID-19 vẫn được sử dụng ở PNCCB đảm bảo các tiêu chí tiêm chủng. Những lo ngại về mặt lý thuyết liên quan đến sự an toàn của việc tiêm vắc xin cho PNCCB không vượt trội hơn những lợi ích tiềm năng của việc tiêm vắc xin. Không cần phải ngừng cho con bú ở những đối tượng được chủng ngừa COVID-19 (ABM 2020).

KHUYẾN NGHỊ VÀ CÂN NHẮC VỀ CHĂM SÓC PHỤ KHOA

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho phụ nữ có ý định mang thai

ACOG khuyến nghị nên tiêm phòng cho đối tượng phụ nữ có ý định mang thai. Ngoài ra, không cần thiết phải trì hoãn mang thai sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 (Pfizer-BioNtech hoặc Moderna).

Quan trọng là, các tuyên bố về vắc xin COVID-19 với nguy cơ vô sinh là không có cơ sở và không có bằng chứng khoa học chứng minh. Với cơ chế hoạt động và tính an toàn của vắc xin mRNA ở đối tượng không mang thai, vắc xin mRNA COVID-19 không phải là nguyên nhân gây vô sinh. Các vắc xin vectơ Adenovirus như vắc xin Janssen COVID-19 không thể tái tạo sau khi tiêm, và dữ liệu hiện có chứng minh rằng vắc xin được loại bỏ khỏi các mô sau khi tiêm. Bởi vì không tái tạo trong tế bào, vắc-xin không thể gây nhiễm trùng hoặc thay đổi DNA của người được tiêm vắc xin và cũng không phải là nguyên nhân gây vô sinh. Do đó, ACOG khuyến cáo nên tiêm phòng cho tất cả những đối tượng đủ điều kiện đang cân nhắc việc mang thai trong tương lai.

Nếu có thai sau tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên (Pfizer-BioNtech hoặc Moderna), nên tiêm liều thứ hai theo chỉ định.

Cuối cùng, không nên thử thai định kỳ trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được FDA phê duyệt.

Rối loạn kinh nguyệt sau tiêm phòng vắc xin COVID-19

Đã có báo cáo về những thay đổi tạm thời trong chu kỳ kinh nguyệt (ví dụ, kinh nguyệt nhiều hơn, bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn, đau bụng kinh hơn) ở những đối tượng gần đây đã được tiêm vắc xin COVID-19. Mặc dù tình trạng căng thẳng có thể tạm thời ảnh hưởng đến kinh nguyệt, nhưng vắc xin không liên quan đến rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, không có lý do gì để các cá nhân lên lịch tiêm chủng dựa vào chu kỳ kinh nguyệt. Vắc xin có thể được tiêm cho những đối tượng hiện đang có kinh nguyệt.

SỰ TIN CẬY CỦA VẮC XIN

Khi giao tiếp với bệnh nhân, điều cực kỳ quan trọng là phải nhấn mạnh tính an toàn chung của vắc xin. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nêu rõ các yêu cầu an toàn của vắc xin và liên tục giám sát an toàn ngay cả sau khi tiêm vắc xin. Sau đây là một số vấn đề cần cân nhắc khi thảo luận về vắc xin COVID-19 với bệnh nhân:

  • Vắc xin là một trong những thành tựu y tế vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Trước khi vắc xin được sử dụng rộng rãi, mọi người thường chết vì các bệnh truyền nhiễm, một số bệnh trong số đó đã được loại bỏ nhờ các chương trình tiêm chủng mở rộng.
  • Điều quan trọng cần biết là tất cả các vắc xin COVID-19 đều có hiệu quả cao. Các đối tượng nên được tiêm bất kỳ loại vắc xin nào được cung cấp và có thể tin tưởng vào khả năng của vắc xin trong việc bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19.
  • PNCT, PNCCB và phụ nữ sau sinh dưới 50 tuổi nên được biết về nguy cơ huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 và các loại vắc xin COVID-19 khác được FDA phê duyệt (tức là vắc xin mRNA).
  • Một số loại vắc-xin đã được tiêm an toàn cho PNCT và PNCCB trong nhiều thập kỷ.
  • Dữ liệu an toàn ban đầu về vắc xin COVID-19 được sử dụng trong thời kỳ mang thai không cho thấy bất kỳ mối nguy cơ nào về tính an toàn của vắc xin.
  • Các tác dụng phụ như bệnh giống cúm có thể xảy ra với các loại vắc xin này, tuy nhiên đây là phản ứng bình thường khi cơ thể tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại COVID-19. Vắc xin COVID-19 không thể gây nhiễm COVID-19. Để có được sự bảo vệ tối đa chống lại COVID-19, bệnh nhân cần được tiêm đủ 2 liều vắc-xin (Pfizer-BioNtech hoặc Moderna).

Các nguồn thông tin tham khảo

  • Những vấn đề cần cân nhắc khi tiêm chủng cho PNCT hoặc PNCCB (CDC): https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/pregnancy.html
  • Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng COVID-19 (CDC): https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines

 

 

 

 

Image: Twitter

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.