Việc kết hợp thuốc không hiệu quả hơn đối với nhiễm trùng máu khó điều trị
Dịch: Lưu Thị Phương Nga – ĐH Dược Hà Nội
Hiệu đính: BS. Đặng Thị Ngọc Mai – Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/901820#vp_1
Kết quả của thử nghiệm MERINO – một thử nghiệm lâm sàng không thua kém đã chỉ ra rằng, piperacillin-tazobactam – một sự lựa chọn tiềm năng trong chiến lược bảo vệ kháng sinh nhóm carbapenem dùng để điều trị nhiễm trùng máu gây ra bởi Escherichia coli hoặc Klebsiella pneumoniae kháng ceftriaxon, có tỷ lệ tử vong trong 30 ngày cao hơn so với dùng meropenem, và không nên được sử dụng thay thế để điều trị các loại nhiễm trùng này.
“Ở những bệnh nhân nhiễm trùng máu do E.coli hoặc K.pneumoniae và kháng ceftriaxon, việc sử dụng piperacillin-tazobactam không thể hiện hiệu quả không thua kém so với meropenem khi so sánh trên tiêu chí chính là tỉ lệ tử vong trong 30 ngày,” bác sĩ Patrick Harris, từ Đại học Queensland , Brisbane, Úc và các đồng nghiệp báo cáo. “Những kết quả này không ủng hộ việc sử dụng piperacillin-tazobactam trong trường hợp này”, họ kết luận. Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên JAMA vào ngày 11 tháng 9 .
Thử nghiệm MERINO là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa quốc gia, đa trung tâm, so sánh piperacillin-tazobactam với meropenem trong điều trị nhiễm trùng máu do E.coli hoặc K.pneumoniae kháng ceftriaxon ở người trưởng thành có kết quả cấy máu dương tính với ít nhất một trong hai loại vi khuẩn trên mà không còn nhạy với ceftriaxon hoặc cefotaxim, cả hai đều là cephalosporin thế hệ thứ ba. Theo các tác giả giải thích, các enzyme β-lactamase phổ rộng của E.coli và K.pneumoniae có khả năng kháng các cephalosporin thế hệ thứ ba.
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn huyết (86,2%) là do E.coli gây ra, và 54,8% các trường hợp nhiễm trùng có nguồn gốc từ đường tiết niệu. Các nhà nghiên cứu chỉ định ngẫu nhiên bệnh nhân dùng meropenem 1 g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ hoặc piperacillin-tazobactam 4,5 g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc nghiên cứu trong vòng 72 giờ sau khi cấy máu, thời gian điều trị tối thiểu là 4 ngày và tối đa là 14 ngày.
“Chỉ tiêu chính là tỉ lệ tử vong do tất cả nguyên nhân sau 30 ngày sau khi phân ngẫu nhiên”, các tác giả chú giải. Số liệu phân tích bao gồm 187 bệnh nhân được chỉ định dùng piperacillin-tazobactam và 191 bệnh nhân được chỉ định dùng meropenem. Sau 30 ngày, tỷ lệ tử vong do tất cả các nguyên nhân gây ra là 12,3% ở nhóm dùng piperacillin-tazobactam so với 3,7% ở nhóm meropenem (P = 0,90 đối với so sánh không thua kém).
Trong quần thể phân tích nhỏ hơn, 10,6% trong số 170 bệnh nhân thuộc nhóm piperacillin-tazobactam tử vong so với 3,8% của 186 bệnh nhân trong nhóm meropenem (P = 0,76 so sánh không thua kém). Việc điều chỉnh cho cả nguồn lây nhiễm và điểm số Charlson Comorbidity Index đều không làm thay đổi đáng kể kết quả cuối cùng của cả 2 nhóm điều trị.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận 68,4% bệnh nhân được điều trị bằng piperacillin-tazobactam có sự thuyên giảm nhiễm trùng cả về mặt lâm sàng và vi sinh vào ngày thứ 4 so với 74,6% bệnh nhân thuộc nhóm carbapenem (P = 0,19). Điều quan trọng là, “ở nhóm bệnh nhân dùng piperacillin-tazobactam, tỷ lệ phát hiện các sinh vật kháng carbapenem sau dùng thuốc không thấp hơn nhóm đối chứng, mặc dù biến cố này ít xảy ra (3,2% so với 2,1%)”, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Tỷ lệ các tác dụng phụ nghiêm trọng ở cả hai nhóm đều thấp.
Kết quả “nổi bật”
Trong một bài bàn luận đi kèm, bác sĩ Mary Hayden và bác sĩ Sarah Won, đến từ Trung tâm y tế Đại học Rush ở Chicago, Illinois, đã gọi kết quả của nghiên cứu là “nổi bật”.
“Việc các tác giả không thể chứng minh tính không thua kém của piperacillin-tazobactam so với meropenem đặc biệt đáng chú ý bởi vì một số đặc điểm thực dụng của thiết kế nghiên cứu và quần thể bệnh nhân ủng hộ cho một hiệu ứng không thua kém,” các nhà biên tập tranh luận.
Đầu tiên, bệnh nhân trong cả hai nhóm được phép chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Điều này có nghĩa là 13,8% bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào nhóm piperacillin-tazobactam thực ra đã được cho sử dụng carbapenem như một chỉ định điều trị theo kinh nghiệm, trong đó 20,2% số này dùng carbapenem với liệu pháp xuống thang . “Mức độ nặng của bệnh thấp hơn dự kiến: chỉ có 10 bệnh nhân được phân loại nguy cơ cao (theo phân loại đã định trước), 40,7% bệnh nhân có dấu hiệu giảm nhiễm trùng vào ngày phân ngẫu nhiên, và tỷ lệ tử vong chung chỉ là 7,9%”, theo như họ quan sát .
Bằng cách so sánh, một đánh giá và phân tích gộp cho thấy tỷ lệ tử vong là 20,5% ở những bệnh nhân có Enterobacteriaceae sản xuất emzyme β-lactamase phổ rộng được điều trị theo kinh nghiệm bằng thuốc ức chế β-lactam / β-lactamase so với 22,1% ở những người được điều trị theo kinh nghiệm với carbapenem, trong khi đó tỷ lệ tử vong là 16,2% đối với những người được điều trị xác định sau khi có kết quả cấy máu bằng thuốc ức chế β-lactam / β-lactamase so với 15,2% đối với những người dùng carbapenem. “Tóm lại, những kết quả này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ chống lại tính không thua kém của piperacillin-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do E.coli và K.pneumoniae kháng ceftriaxon,” Hayden và Won viết.
“Kết quả của thử nghiệm MERINO làm rõ rằng piperacillin-tazobactam không còn được coi là một thay thế cho meropenem để điều trị nhiễm trùng máu do E.coli hoặc K.pneumonia kháng ceftriaxon”, họ kết luận.