Menu

Viêm vùng chậu – ABCs

CHƯƠNG 18 – BỆNH VIÊM VÙNG CHẬU (VVC)

Nguồn:  Antibiotic Basics for Clinicians: The ABCs of  Choosing the Right Antibacterial Agent, Alan R. Hauser, chapter 18, trang 194.

Người dịch:    SVD5. Lê Thị Thảo, Đại Học Y Dược Tp. HCM.                    

Người hiệu đính: DS. Võ Thị Hà

 

Bệnh viêm vùng chậu (VVC) là hậu quả đáng tiếc do các hàng rào liên tiếp bảo vệ của hệ thống sinh dục nữ không phát hiện được sự xâm nhập của các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Trong VVC, vi khuẩn di chuyển từ cổ tử cung vào trong tử cung và sau đó đến ống dẫn trứng, buồng trứng, và khoang phúc mạc. Tình trạng viêm dai dẳng có thể dẫn đến hình thành áp xe và sẹo ở những tổ chức này, dẫn đến vô sinh và mang thai ngoài tử cung.

Các bệnh nhân mắc VVC thường có biểu hiện chảy máu bất thường, đau khi giao hợp, có dịch tiết âm đạo, đau bụng dưới, sốt và ớn lạnh. Khám thực thể thường đáng chú ý là sốt, bất thường cổ tử cung hoặc mủ âm đạo, đau và nhạy cảm ở tử cung hoặc phần phụ của tử cung, và sự chuyển động nhạy cảm của cổ tử cung. Xét nghiệm có thể cho thấy số lượng tế bào bạch cầu ngoại vi tăng, sự hiện diện của các tế bào bạch cầu trong dịch tiết âm đạo, và tốc độ máu lắng và protein C phản ứng (CRP) tăng.

Cơ chế sinh bệnh học của VVC liên quan đến một sự tương tác phức tạp giữa các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục và hệ vi khuẩn chí âm đạo, đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí (Bảng 18-1 và Hình 18-1). Như vậy, đây là một bệnh nhiễm trùng đa khuẩn. Các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục thường liên quan nhất là Neisseria gonorrhoeaeChlamydia trachomatis. Các thành phần của hệ khuẩn chí âm đạo thường được phân lập từ các tổn thương VVC bao gồm Bacteroides kỵ khí và Peptostreptococcus spp. cũng như vi khuẩn kị khí tuỳ ý như Escherichia coli, Gardnerella vaginalis, Haemophilus influenzae, và liên cầu streptococci nhóm B. Hiện nay, mức độ và vai trò của mỗi chủng vi khuẩn trên dẫn đến sự tiến triển của VVC vẫn chưa rõ.

Điều trị VVC theo kinh nghiệm phải dựa vào phổ của các sinh vật có khả năng gây bệnh này cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh (Bảng 18-2 và Hình18-1). Tất cả các phác đồ nên có hiệu quả chống lại N. gonorrhoeaeC. trachomatis. Hiện nay, vai trò của vi khuẩn kỵ khí trong VVC còn gây tranh cãi, nhưng một số chuyên gia cảm thấy rằng liệu pháp điều trị cũng cần chống lại những sinh vật này. Cá nhân có mức độ bệnh nhẹ đến trung bình nên được điều trị ngoại trú với kháng sinh đường uống. Phác đồ khuyến cáo bao gồm một liều cephalosporin tiêm bắp duy nhất (ví dụ, ceftriaxon, cefoxitin + probenecid, cefotaxim) phối hợp với 14 ngày điều trị với docyxyclin đường uống, có hoặc không phối hợp với metronidazol. (Dùng đồng thời probenecid với cefoxitin làm chậm sự đào thải của cefoxitin, kéo dài nồng độ trị liệu.) Những người đang bị bệnh nặng nên được nhập viện và điều trị ban đầu với các thuốc truyền tĩnh mạch. Phác đồ ban đầu thường gặp bao gồm (1) một cephalosporin có tác động trên vi khuẩn kỵ khí (ví dụ, cefotetan, cefoxitin) phối hợp với doxycyclin hoặc (2) clindamycin phối hợp với gentamicin. Phác đồ thứ hai hiệu quả hơn vì gentamicin là hiệu quả chống lại vi khuẩn gram âm N. gonorrhoeae và clindamycin có tác động chống lại C. trachomatis cũng như chống lại nhiều vi khuẩn kỵ khí. Kháng sinh tiêm tĩnh mạch có thể được ngưng 24 giờ sau khi bệnh nhân thấy có cải thiện lâm sàng, và hoàn thành điều trị 14 ngày với doxycyclin uống hoặc clindamycin uống.

Bảng 18-1. Một số vi khuẩn gây bệnh viêm vùng chậu

Vi khuẩn

Tỉ lệ mắc

Neisseria gonorrhoeae

27%–56%

Chlamydia trachomatis

22%–31%

Vi khuẩn kị khí tùy ý

20%–78%

 

Hình 18-1. Các tác nhân được sử dụng để điều trị bệnh viêm vùng chậu.

Bảng 18-2. Phác đồ điều trị bệnh viêm vùng chậu theo kinh nghiệm

Mức độ bệnh nhẹ tới trung bình

  • Cephalosporin tiêm bắp liều duy nhất

Ceftriaxon, cefoxitin + probenecid, cefotaxim

+ doxycyclinuống

± metronidazol uống

Mức độ bệnh nặng

  • Cephalosporin

Cefotetan, cefoxitin

+ doxycycline

 

Hoặc

  • Clindamycin

 

  •  

Gentamicin

 

Câu hỏi

1. Kháng sinh điều trị bệnh viêm vùng chậu nên bao gồm các chất có hoạt tính chống vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như ………………. và ……………………. và có thể là vi khuẩn …………………………

2. Phác đồ điều trị bệnh viêm vùng chậu mức độ nhẹ là một liều tiêm bắp duy nhất ………………… phối hợp với …………………………… có hoặc không phối hợp ……………………

3. Hai phác đồ điều trị bệnh viêm vùng chậu nặng là (1)…………………… có tác động chống vi khuẩn kị khí phối hợp với ………………… và (2) ………………. phối hợp với ………………

4. Trong phác đồ kháng sinh bệnh viêm vùng chậu bao gồm cefotetan cộng với doxycyclin, cefotetan có hiệu quả chống lại ……………………… cũng như ………………… trong khi doxycyclin có hiệu quả chống lại …………………………

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.